Phát triển Bình Dương theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Ngày 11/3, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Bình Dương sẽ tiên phong trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.

Cụ thể, Bình Dương tiên phong trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng, phát triển đô thị công nghiệp, phát triển đô thị thông minh và phát triển xanh.

Để chuyển đổi và tiếp tục phát triển đột phá trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục dựa trên 4 trụ cột quan trọng là liên kết vùng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và hành động đột phá sáng tạo để tạo nên các động lực phát triển thông qua xây dựng hệ sinh thái phát triển mới, đặc biệt là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược dẫn dắt phát triển.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và quốc tế, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối, môi trường pháp lý, hạ tầng sản xuất, dịch vụ và sinh sống; đồng thời tăng cường kết nối với các địa phương trong vùng TP.HCM thực hiện chiến lược vùng về hợp tác phát triển để tiếp tục là trung tâm động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất cả nước.

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết.

Do vậy, muốn phát triển nhanh và bền vững, Bình Dương cần xác định rõ những tiềm năng và lợi thế riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng ĐBSCL…

Về tổ chức không gian phát triển, rất cần mở rộng không gian để tạo ra động lực mới, giá trị mới. Quy hoạch định hướng dịch chuyển dần các hoạt động kinh tế lên phía Bắc của tỉnh, do vậy, cần làm rõ phương án và lộ trình phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối nội tỉnh, giao thông kết nối với Bình Phước và Tây Ninh – vì đây là khu vực phát triển của vành đai công nghiệp, gắn với đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, đường xuyên Á qua cửa khẩu Mộc Bài.

Call Now Button