Ngày 1/2, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, qua thực tế triển khai thực hiện chủ trương đầu tư phát sinh một số nội dung thay đổi về quy mô giải phóng mặt bằng, về diện tích sử dụng đất… Do đó cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để đảm bảo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện.
Trong khi đó, đại diện HĐND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, việc điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 TPHCM nhằm phát huy hiệu quả tối đa khả năng lưu thông của tuyến đường Vành đai 4 và làm cơ sở để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một lần tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực dự án.
Theo đó, cần thiết phải bổ sung phạm vi giải phóng mặt bằng mố cầu Thủ Biên khoảng 0,6 ha thuộc dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng. Đồng thời bổ sung 2 trạm dừng chân (mỗi hướng đi một trạm dừng) vào dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, do đó thực hiện giải phóng mặt bằng 2 trạm dừng chân khoảng 5 ha trong dự án thành phần 1.
Ngoài ra, điều chỉnh dự kiến nhu cầu sử dụng đất từ khoảng 419,6 ha giảm thành khoảng 279 ha, do khảo sát thực tế một số đoạn đã thực hiện đầu tư, một số đã được bồi thường.
Vị trí đường Vành đai 4 TPHCM giao quốc lộ 13 trùng đường tạo lực đã được tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thiện. |
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM gồm 2 dự án thành phần (giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2026.
Địa điểm thực hiện dự án qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát; dự kiến khởi công dự án trong năm 2024. Dự kiến hướng tuyến, quy mô, điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TPHCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên); điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây (TX.Bến Cát), tổng chiều dài khoảng 47,85km.
Chi tiết hướng tuyến Vành đai 4 TPHCM qua Bình Dương
Từ điểm đầu tuyến tại đầu cầu Thủ Biên thuộc địa phận xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Thủ Biên – Đất Cuốc hiện tại, giao với đường ĐH.411, tuyến phóng mới đi qua Khu công nghiệp VSIP III, giao cắt với đường ĐT.747 tại phường Hội Nghĩa, giao với đường cao tốc TPHCM – Chơn Thành (quy hoạch), giao với đường ĐT.742 tại vị trí nút giao hiện hữu, đi trùng tim với đường số 17-VSIP IIA, tuyến tiếp tục phóng mới giao khác mức với đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh (quy hoạch), giao với đường ĐT.741 tại phường Hòa Lợi, kết nối với đường Vành đai 4 TPHCM hiện hữu đến cầu Thới An, theo đường giao thông hiện hữu đến đường ĐT.748 và phóng mới giao với đường ĐT.744 tại xã An Tây, phóng mới theo quy hoạch đến sông Sài Gòn tại vị trí cầu Phú Thuận.
Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp I.
Giải phóng mặt bằng, thực hiện hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m cho những đoạn từ Đất Cuốc (đường ĐH.411) – VSIP IIA, đoạn từ cầu Thới An – sông Sài Gòn và các nút giao. Riêng đoạn nối Khu công nghiệp VSIP IIA – Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 giải phóng mặt bằng với quy mô 62m; đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc (kể cả nút giao cầu Thủ Biên phía Bình Dương) đã thực hiện trong dự án khác, không tính trong dự án này.
Vành đai 4 TPHCM đoạn trùng với đường tạo lực đã được đầu tư trước đó. |
Đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục; riêng đoạn từ đường ĐT.742 đến cầu Thới An: giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62m, 10 làn xe), đoạn từ Khu công nghiệp VSIP IIA – Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62m, 10 làn xe. Đầu tư phân bổ các nút giao liên thông, trực thông và xây dựng đường song hành 2 bên tuyến đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của tuyến cao tốc và kết nối giao thông khu vực, phù hợp theo tình hình phát triển của địa phương. Xử lý giao cắt một số đường ngang: sử dụng cầu vượt ngang hoặc hầm chui phù hợp.
(Theo https://tienphong.vn/duong-hon-18000-ty-dong-o-binh-duong-se-co-hai-tram-dung-chan-post1609453.tpo)