Bức ảnh của một người nước ngoài chụp từ trên máy bay xuống khu vực hồ Cần Đơn và Sông Bé (Bình Phước) tựa hình “tam long hội tụ” đã được tỉnh Bình Phước tạo thành những bức tranh ý nghĩa tặng khách quý.
Tại Bình Phước, lưu vực các dòng chảy của Sông Bé chảy về hồ Cần Đơn nhìn từ độ cao 7.000 mét uốn lượn như hình ảnh “tam long hội tụ” kỳ vĩ, mang lại ấn tượng đặc biệt trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
“Tam long hội tụ” từ sông hồ
Đã từ lâu, hình tượng rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Rồng không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền mà trong văn hóa Việt Nam, rồng còn là biểu tượng tâm linh gắn với tình cảm, hồn cốt dân tộc, từ nguồn gốc “con rồng cháu tiên”.
Tháng 1.2020, một người nước ngoài đã đăng bức ảnh kèm dòng trạng thái “Vietnam’s river system looks like a dragon, photo taken from an airplane” (hệ thống sông ngòi Việt Nam giống con rồng, ảnh chụp từ máy bay) trên một hội nhóm khá nổi tiếng với hàng chục ngàn thành viên.
Bức ảnh nhanh chóng được cộng đồng mạng truy tìm địa chỉ. Qua hình vệ tinh, mọi người đã tìm ra địa điểm của bức ảnh nói trên chính là khu vực hồ Cần Đơn và lưu vực của Sông Bé thuộc tỉnh Bình Phước.
Lấy cảm hứng từ bức ảnh, tỉnh Bình Phước chế tác thành những bức tranh gạo, sơn dầu nhằm quảng bá hình ảnh địa phương
SỞ VH-TT-DL BÌNH PHƯỚC
Tại Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước diễn ra vào ngày 11.8.2023, trong bài tham luận “Xây dựng, quảng bá triết lý và thương hiệu văn hóa tỉnh Bình Phước” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học và GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG Hồ Chí Minh cũng đã nhắc đến hình ảnh 3 hồ lớn tại Bình Phước là hồ Cần Đơn, hồ Phú Riềng và hồ Thác Mơ uốn lượn như hình rồng, châu tuần và nhận định Bình Phước là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu địa thế “tam long tụ hội”.
Cảm hứng từ bức ảnh trên cao 7.000 mét
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Phước cho biết, từ bức ảnh chụp từ trên máy bay của vị khách nước ngoài và ý kiến của các chuyên gia nhiếp ảnh, có thể dự đoán rằng bức ảnh được chụp từ độ cao khoảng 7.000 mét. Từ độ cao này có thể nhìn thấy rõ lưu vực các dòng chảy của Sông Bé đổ về hồ Cần Đơn và thấy đã tạo nên hình tượng 3 con rồng đang uốn lượn khá rõ nét.